Qua hơn 30 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, công cuộc đổi mới đất nước đã đạt được những thành tựu vô cùng to lớn. Một trong những thành tựu vẻ vang đó, phải kể đến việc Đảng và Chính phủ đã ban hành hàng loạt các giải pháp đột phá để xóa đói giảm nghèo. Đây là chủ trương lớn nhằm cải thiện đời sống vật chất và tinh thần, thu hẹp khoảng cách trình độ phát triển giữa các khu vực, dân cư, tập trung vào các đối tượng người nghèo, huyện nghèo, xã nghèo, vùng nghèo… Nhờ đó, sau một thời gian, tỷ lệ hộ nghèo ở Việt Nam đã giảm một cách đáng kể, từ trên 58% năm 1993 xuống còn khoảng 8% năm 2014, bình quân tốc độ nghèo giảm 2% mỗi năm. Qua đó, đã góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống, đồng thời làm thay đổi mạnh mẽ mọi mặt của đời sống xã hội của người dân vùng sâu, vùng xa nông thôn nước ta.
Tuy nhiên, trong việc thực hiện chính sách xóa đói giảm nghèo chưa có sự đồng đều giữa các vùng miền trong cả nước, chưa đáp ứng được nguyện vọng của người dân và sự kỳ vọng của chính quyền địa phương các cấp, các ngành so với nguồn lực to lớn mà Đảng, Nhà nước và các tổ chức xã hội đã tập trung đầu tư. Sở dĩ có tình trạng này, là do điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội và đặc điểm dân cư ở các địa phương khác nhau, theo đó hiệu quả việc thực hiện các chính sách xóa đói giảm nghèo cũng có sự khác nhau. Thực tế hiện nay ở các vùng thành phố, thị xã, tỷ lệ hộ đói nghèo thấp, còn ở các vùng nông thôn và các vùng sâu, vùng xa, miền núi, nhất là vùng tập trung nhiều đồng bào dân tộc thiểu số tỷ lệ hộ đói nghèo vẫn còn rất cao, vùng miền Tây Nghệ An là một minh chứng cho vấn đề này.
Miền Tây Nghệ An là vùng có không ít những khó khăn về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, đặc điểm và phân bố dân cư là những nguyên nhân trực tiếp ảnh hưởng đến việc thực hiện các chính sách xóa đói giảm nghèo. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã dành sự quan tâm đặc biệt đối với sự phát triển kinh tế - xã hội ở nơi đây, các chủ trương, chính sách, chương trình, dự án được chính quyền địa phương các cấp quan tâm triển khai thực hiện giúp bà con các vùng dân tộc thiểu số từng bước xóa đói giảm nghèo đa chiều. Các chính sách xóa đói giảm nghèo đã được tổ chức thực thi, triển khai có hiệu quả ở miền Tây Nghệ An như Nghị quyết 30a/CP, Chương trình 134, 135 và dự án xây dựng nông thôn mới... góp phần quan trọng trong việc phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng cơ sở, làm thay đổi bộ mặt các huyện miền Tây Nghệ An. Mặc dù vậy, kinh tế - xã hội miền Tây Nghệ An vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, công tác giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc thiểu số vẫn còn nhiều thách thức, nan giải đối với chính quyền địa phương.
Bên cạnh đó, phương thức thực hiện chính sách xóa đói giảm nghèo chưa mang lại hiệu quả như kỳ vọng, chủ yếu thực hiện theo cách tư duy truyền thống, chỉ tập trung quan tâm đến các vấn đề như ăn, mặc, ở nhằm ổn định và cải thiện cuộc sống trước mắt, không gắn việc xóa đói, giảm nghèo với đầu tư phát triển sản xuất góp phần tăng trưởng kinh tế. Do vậy, chưa phát huy được vai trò của nó trong công cuộc xóa đói giảm nghèo ở các vùng đặc biệt khó khăn như miền Tây Nghệ An. Từ thực trạng ấy, các cấp, các ngành và chính quyền địa phương cần nhanh chóng đổi mới tư duy trong quá trình thực hiện chính sách xóa đói giảm nghèo ở miền Tây Nghệ An.
Cuốn sách Chính sách xóa đói giảm nghèo và vai trò của nó đối với sự phát triển kinh tế - xã hội miền Tây Nghệ An hiện nay của TS Nguyễn Thị Thúy Cường góp phần làm rõ và sâu sắc thêm những vấn đề lý luận về chính sách xóa đói, giảm nghèo ở Việt Nam hiện nay; thực trạng vai trò của chính sách xóa đói, giảm nghèo đối với sự phát triển kinh tế - xã hội các huyện miền Tây Nghệ An theo cách tiếp cận nghèo đa chiều dưới góc độ triết học. Đồng thời, cuốn sách sẽ là nguồn tài liệu tham khảo có tính chuyên sâu, dành cho các nhà nghiên cứu, các nghiên cứu sinh, học viên cao học, cũng như sinh viên, nghiên cứu về chính sách xóa đói, giảm nghèo.
Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách cùng bạn đọc!
NHÀ XUẤT BẢN LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ